Dù nhiều kênh truyền thông mới xuất hiện, phát thanh (radio) vẫn là “sân chơi” truyền thông hiệu quả, tối ưu chi phí cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận khách hàng.
Phát thanh trong cuộc sống hiện đại
Phát thanh có một hành trình dài phát triển, chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc sống của nhiều người.
Để chinh phục người nghe, ngành phát thanh đã tận dụng những ưu điểm để thích nghi với sự thay đổi, xu hướng mới của công nghệ và thị trường. Phát thanh nhanh chóng sử dụng các công nghệ mới, phương tiện truyền thông kỹ thuật số như: podcast, radio internet, live streaming… Ngành phát thanh cũng tận dụng sự phát triển của các dịch vụ truyền thông trực tuyến và các thiết bị thông minh để cải thiện trải nghiệm nghe, thu hút và giữ chân thính giả. Nhờ đó, trong thời đại số, radio không bị lãng quên, mà còn trở thành một nền tảng truyền thông mới trong các dịch vụ truyền thông hiện đại hiện nay.
Ngày nay, một số kênh phát thanh như: Kênh FM90 – Tin tức và giao thông Hà Nội, kênh Nhịp sống Sài Gòn FM95.6… cũng đầu tư bài bản về hạ tầng kỹ thuật để tăng tính tương tác trực tiếp với thính giả và cộng tác viên hiện trường. Bằng việc nâng cấp studio, đường truyền, anten, trạm phát sóng, thiết bị thu phát sóng…; các kênh đã tăng cường độ tin cậy, giảm thiểu các sự cố kỹ thuật, để từ đó có thể phát sóng rộng, chất lượng cao hơn nhằm cải thiện khả năng tương tác với thính giả.
Bên cạnh đó, các nhà đài ngày càng nỗ lực đem đến tin tức theo đúng nhu cầu, sở thích của người nghe: từ việc đa dạng hóa chương trình thuộc mọi lĩnh vực đời sống: văn hoá – nghệ thuật, chính trị, sức khoẻ, giáo dục, thể thao, kinh doanh…; đến việc liên tục cập nhật thông tin giao thông, sản xuất podcast cũng như các chương trình tương tác trực tiếp trên sóng. Ngoài ra, các chương trình phát thanh hiện nay cũng nỗ lực tạo ra các nội dung mang tính giáo dục và giải trí, hướng tới các đối tượng khán giả trẻ, từ học sinh đến sinh viên, giúp họ tiếp cận với các thông tin bổ ích một cách dễ dàng và thú vị.
Tất cả tạo nên hệ thống radio bắt kịp xu hướng và kết nối cảm xúc giữa đội host chuyên nghiệp với thính giả mọi miền. Nhờ đó, radio vẫn giữ vững lượng người nghe ổn định, trở thành một trong những trạm quảng bá thông tin tới mọi tầng lớp, lứa tuổi và ngành nghề.
Ưu điểm của phát thanh trong “hệ sinh thái” quảng cáo
Với việc cung cấp thông tin thời sự nhanh chóng, gắn kết cảm xúc với khán giả, radio đang chứng minh vị thế của mình đối với các doanh nghiệp và nhà khai thác quảng cáo. Điểm sáng của loại hình quảng cáo trên radio chính là có thể tối giản nhân sự, tiết kiệm ngân sách hơn so với những cách tiếp thị khác mà vẫn đem đến kết quả tối ưu.
Tại Việt Nam, theo khảo sát của Kantar vào năm 2020, có đến 70% thính giả chủ động đón nhận quảng cáo trên radio. Quảng cáo trên radio được lắng nghe bởi thời lượng nhanh gọn, tỷ lệ bỏ qua/chuyển kênh thấp. Đặc biệt, vì không có hình ảnh minh họa, thính giả dễ dàng tiếp nhận thụ động khi đang làm những việc khác mà không cần phải chú ý theo dõi.
Phát huy tối đa ưu thế này cùng với những thế mạnh riêng biệt, quảng cáo trên phát thanh thú vị từng giây. Hình thức quảng cáo voice ads 15 – 60 giây chứa đựng nội dung cô đọng với tiết tấu bắt tai, được “đo ni đóng giày” cho từng đối tượng khách hàng cụ thể. Các quảng cáo được phát đan xen cùng các bản tin, giúp thính giả vừa cập nhật tin tức thời sự thiết thực, vừa có những phút giây giải trí nhẹ nhàng. Cách tiếp cận trực diện nhưng dễ chịu này khiến quảng cáo voice ads trên radio dễ dàng tiếp cận người nghe, không gây phản cảm.
Dài hơn voice ads, với thời lượng từ 3 – 5 phút là chuyên mục tài trợ có thông tin sản phẩm được các host giới thiệu chi tiết. Cùng với sự xuất hiện của nhiều khách mời và chuyên gia, các chuyên mục tài trợ chính là điểm nhấn truyền thông mà doanh nghiệp và thương hiệu không nên bỏ lỡ.
Đặc biệt, “quảng cáo mà như không quảng cáo” chính là hình thức livemention. Tại đây, những thông tin được doanh nghiệp, nhãn hàng gửi đến công chúng được các kênh radio truyền tải dưới dạng tin tức, sự kiện… tạo cảm giác tin cậy, giúp thương hiệu dễ dàng tiếp cận đối tượng mục tiêu khi có lượng thính giả phong phú.
Thính giả tìm đến radio để tìm kiếm một người bạn đồng hành, mong muốn được kết nối cảm xúc. Đáp ứng nhu cầu đó, radio và quảng cáo trên radio luôn dễ dàng “chạm” đến thính giả, ngay cả khi có nhiều lựa chọn để tiếp nhận thông tin hơn trong cuộc sống số.
(Nguồn: Vietnamnet)