Muôn hình vạn trạng khi ngân hàng tham gia đường đua livestream

Nhắc đến livestream, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những phiên live bán hàng với ưu đãi khủng, doanh số hàng chục tỷ đồng… Vậy với những ngành hàng đặc thù như ngân hàng liệu livestream sẽ có hình hài ra sao?

 

Dù chỉ mới rầm rộ trong 1-2 năm gần đây, nhưng livestream không phải là một hình thức mới. Trước đây, các nhà bán lẻ và người nổi tiếng đã tận dụng tính năng này của Facebook và Instagram để quảng bá cá nhân và sản phẩm. Sự xuất hiện của TikTok và TikTok Shop đã góp phần thúc đẩy sự bùng nổ của livestream khi cho phép người dùng gắn giỏ hàng trực tiếp, biến những phiên phát trực tiếp thành công cụ thương mại.

Với mô hình bán hàng qua livestream, nhà bán hàng có thể thấy ngay doanh thu, điều này đã giúp livestream trở nên được ưa chuộng và có những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực bán lẻ. Nhưng ngân hàng khó có thể áp dụng tương tự. Bởi việc mở tài khoản ngân hàng, một khoản vay hay một gói bảo hiểm không phải là những sản phẩm có thể “bán chốt đơn” chỉ trong vài phút rao bán hay trò chuyện trực tuyến.

Dù vậy, ngân hàng cũng đã sớm tham gia cuộc chơi này, với mục tiêu không đơn thuần là bán hàng. Chẳng hạn, từ năm 2022, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã kết hợp cùng host Nguyên Khang thực hiện livestream để phổ biến cách sử dụng mã QR và ứng dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ nhà bán hàng gia tăng doanh thu.

Muôn hình vạn trạng khi ngân hàng tham gia đường đua livestream

Từ năm 2022, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã thực hiện livestream để phổ biến cách sử dụng mã QR và ứng dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ nhà bán hàng gia tăng doanh thu. (Nguồn: OCB – Ngân Hàng Phương Đông)

Khi ngân hàng “lên sóng” nhưng không để bán hàng

 

MBBank: Kết hợp livestream với các hoạt động hỗ trợ khách hàng

Những tháng cuối năm 2024 – đầu năm 2025 là thời điểm “gấp rút” của hệ thống ngân hàng khi phải liên tục thúc đẩy khách hàng thực hiện cập nhật sinh trắc học theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, MBBank là một trong những ngân hàng đã biến livestream thành công cụ chăm sóc khách hàng khi giúp họ hoàn thành các thủ tục hành chính. Điển hình là phiên livestream trao thưởng 1 tỷ đồng cho khách hàng cập nhật sinh trắc học/CCCD trên ứng dụng MBBank, với sự dẫn dắt của danh hài Võ Tấn Phát và chuyên viên tư vấn của ngân hàng MBBank.

Thay vì để khách hàng đến quầy giao dịch hoặc tự tìm hiểu thông tin trên website, MB Bank tận dụng livestream để giải đáp ngay lập tức, đồng thời kết hợp với chương trình tặng thưởng để khuyến khích khách hàng hoàn thành thủ tục đúng hạn. Đây có thể xem là một cách ứng dụng livestream thực tế, khi ngân hàng không chỉ tận dụng công cụ này để thu hút sự quan tâm mà còn giải quyết được vấn đề của khách hàng theo thời gian thực.

Muôn hình vạn trạng khi ngân hàng tham gia đường đua livestream

Phiên livestream trao thưởng 1 tỷ đồng cho khách hàng cập nhật sinh trắc học/CCCD trên ứng dụng MBBank. (Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp)

Ngoài ra, MBBank cũng còn những phiên livestream khác trên Shopee Mall @MBBank_official và Fanpage MBBank để giới thiệu bộ thẻ MB Hi Collection và các sản phẩm trên ứng dụng MBBank. Việc phát sóng trực tiếp trên Shopee cho thấy một hướng đi khá thực tế khi ngân hàng muốn tận dụng nền tảng thương mại điện tử để bán hàng và tiếp cận khách hàng theo cách tự nhiên hơn. Thay vì chỉ giới thiệu thẻ theo cách truyền thống, MBBank lồng ghép livestream trên Shopee như một dạng “săn deal”, tương tự cách các thương hiệu bán lẻ thu hút người xem. Cách làm này giúp ngân hàng xuất hiện trên các nền tảng mà người dùng đã quen thuộc với việc mua sắm và giao dịch.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu hình thức livestream trên thương mại điện tử có thực sự phù hợp với dịch vụ ngân hàng không, khi phần lớn sản phẩm tài chính yêu cầu sự cân nhắc kỹ lưỡng thay vì quyết định nhanh như khi mua hàng tiêu dùng.

 

BIDV: Khi ngân hàng không chỉ bán dịch vụ, mà còn “bán trải nghiệm”

Nếu MBBank dùng livestream như một công cụ hỗ trợ khách hàng, thì BIDV lại chọn một cách tiếp cận mang tính giải trí nhiều hơn. Việc kết hợp với các KOLs như Khánh Vy, 1977 Vlog trong chương trình “Số Đẹp Cất Lời” cho thấy ngân hàng này đang tìm cách tạo ra một hình ảnh gần gũi hơn với khách hàng trẻ.

BIDV tận dụng livestream để giới thiệu tính năng AI trên website thương hiệu giúp khách hàng chọn số tài khoản theo phong thủy, cung hoàng đạo. Trong livestream, khách hàng được hướng dẫn cách nhập thông tin cá nhân để AI phân tích và đề xuất dãy số tài khoản phù hợp, thậm chí có thể làm thơ hoặc bài hát dựa trên số tài khoản.

Muôn hình vạn trạng khi ngân hàng tham gia đường đua livestream

Phiên Livestream chương trình “Số Đẹp Cất Lời” của BIDV, kết hợp với Khánh Vy và 1977 Vlog. (Nguồn: BIDV)

Gần đây, BIDV còn sử dụng livestream để hỗ trợ khách hàng đặt vé xe về quê dịp Tết thông qua ứng dụng BIDV SmartBanking. Khi nhu cầu đi lại tăng cao vào dịp Tết, việc ngân hàng tận dụng livestream để kết nối khách hàng với dịch vụ đặt vé xe có sẵn trên ứng dụng – là một cách để gắn dịch vụ tài chính với những nhu cầu hàng ngày của người dùng.

BIDV còn sử dụng livestream để hỗ trợ khách hàng đặt vé xe về quê dịp Tết thông qua ứng dụng.

BIDV còn sử dụng livestream để hỗ trợ khách hàng đặt vé xe về quê dịp Tết thông qua ứng dụng. (Nguồn: BIDV)

VIB: Livestream rao bán bất động sản

Là ngân hàng “quen mặt” với các chương trình giải trí dành cho giới trẻ như “The masked singer”, “Anh trai say hi”… VIB tiếp tục chọn một hướng đi khác biệt: livestream bán bất động sản phát mãi. Trong phiên livestream kéo dài 5 tiếng, ngân hàng đã giới thiệu 16 tài sản tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Điểm đáng chú ý là cách làm của VIB không khác nhiều so với mô hình bán hàng truyền thống trước khi Social-Commerce ra đời (hay nói đơn giản hơn là khi giỏ hàng TikTok Shop xuất hiện). Mỗi bất động sản được gán mã số, khách hàng nếu quan tâm có thể bình luận mã số để được tư vấn thêm. Để thể hiện thiện chí, khách hàng có thể chuyển trước 30 triệu đồng, số tiền này sẽ được hoàn lại nếu giao dịch không thành công. Những ai chốt mua sẽ nhận voucher giảm giá 9% (tối đa 1 tỷ đồng) kèm theo gói lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, khách hàng chia sẻ livestream trên Facebook cá nhân kèm bình luận “chốt deal” cũng có cơ hội hưởng lãi suất ưu đãi 0%/năm.

Ngoài ra, trong phiên livestream này còn có sự kết hợp giữa ngân hàng và các chuyên gia bất động sản, thay vì chỉ để nhân viên ngân hàng tư vấn. Thành phần tham gia gồm: Quản lý bán hàng của VIB đóng vai trò giới thiệu và tư vấn về các bất động sản được rao bán; CEO của công ty bất động sản mang đến góc nhìn chuyên môn về tiềm năng đầu tư và pháp lý bất động sản; Giám đốc của nền tảng công nghệ BĐS cung cấp thông tin về thị trường và quy trình giao dịch trên nền tảng số.

Tuy nhiên, bất động sản không giống như một món hàng có thể “mua ngay” chỉ sau vài phút livestream. Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: liệu hình thức bán hàng qua livestream có thực sự phù hợp với các giao dịch giá trị cao như bất động sản? Việc yêu cầu đặt cọc trước có thể giúp ngân hàng lọc bớt khách hàng ảo, nhưng cũng có thể làm giảm mức độ tự nhiên của tương tác – yếu tố vốn là điểm mạnh của livestream.

Dù chưa thể khẳng định livestream sẽ trở thành một kênh bán bất động sản lâu dài, nhưng cách làm của VIB cho thấy ngân hàng đang thử nghiệm một mô hình kết hợp giữa livestream, giao dịch số và các ưu đãi tài chính. Đây là một hướng đi đáng chú ý trong bối cảnh ngân hàng ngày càng mở rộng các dịch vụ ngoài tài chính truyền thống.

 

VPBank NEO: Tích hợp livestream ngay trên ứng dụng

Nếu như phần lớn ngân hàng đều tận dụng mạng xã hội để phát livestream, thì VPBank lại chọn “lối đi riêng” khi chủ động đưa livestream vào ứng dụng di động nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng. Với chiến lược gamification, VPBank không chỉ mang đến hình thức tương tác trực quan hơn mà còn tổ chức các phiên livestream tư vấn tài chính, minigame nhận quà. Đây được xem như một bước tiến trong cách ngân hàng giao tiếp với khách hàng theo thời gian thực.

Đơn cử, livestream trong khuôn khổ chiến dịch “Tài khoản TINH GỌN” của VPBank, nhắm đến nhóm khách hàng trẻ với thông điệp tối giản trong tiêu dùng đã ghi nhận:

  • 80+ người tham gia TikTok Challenge, tổng cộng hơn 80 triệu lượt xem.
  • 11.000 khán giả theo dõi livestream, có sự tham gia của bộ đôi hài độc thoại Saigon Tếu.

Từ một ngân hàng số, VPBank đang định hình lại cách người trẻ tiếp cận các sản phẩm tài chính theo hướng cá nhân hóa và dễ tiếp cận hơn.

Muôn hình vạn trạng khi ngân hàng tham gia đường đua livestream

Livestream trong khuôn khổ chiến dịch “Tài khoản TINH GỌN” của VPBank. (Nguồn: VPBank)

Nhóm hoạt động phổ biến khi ngân hàng livestream

Bên cạnh những ngân hàng thử nghiệm livestream như một công cụ hỗ trợ khách hàng hoặc một kênh bán hàng, một số ngân hàng khác đang tận dụng hình thức này theo cách truyền thống hơn – quay số trúng thưởng và tổ chức minigame để thu hút người xem. MSB, HDBank và Nam Á Bank là những cái tên đáng chú ý trong nhóm này, khi sử dụng livestream để công bố kết quả chương trình tiết kiệm, đồng thời tổ chức các hoạt động tương tác như đặt câu hỏi, giải đố để duy trì sự chú ý của khách hàng trong suốt phiên phát sóng.

Cách tiếp cận này có thể không mới, nhưng vẫn giữ được hiệu quả nhất định, đặc biệt với những chương trình quay số may mắn vốn thu hút sự quan tâm của người dùng. Khi khách hàng có động lực theo dõi livestream đến cuối để chờ kết quả hoặc tham gia minigame để nhận phần thưởng, ngân hàng có thể tận dụng cơ hội này để lồng ghép các thông điệp về sản phẩm và dịch vụ tài chính một cách tự nhiên hơn.

Livestream quay số trúng thưởng và tổ chức minigame để thu hút người xem của Nam Á Bank

Livestream quay số trúng thưởng và tổ chức minigame để thu hút người xem của Nam Á Bank. (Nguồn: Nam Á Bank)

Không chỉ có ngân hàng, các tổ chức tài chính khác như ACBS, FE Credit cũng đang thử nghiệm livestream như một kênh phổ cập kiến thức tài chính và kết nối với khách hàng. Thay vì chỉ quảng bá sản phẩm, các buổi livestream của họ tập trung vào việc chia sẻ thông tin về thị trường chứng khoán, quản lý tài chính cá nhân hay các xu hướng tín dụng, giúp người xem có thêm kiến thức thực tiễn.

Cách làm này cho thấy livestream không chỉ đơn thuần là một công cụ bán hàng, mà còn có thể được khai thác theo nhiều cách khác nhau để tăng mức độ kết nối giữa doanh nghiệp và khách hàng. Đối với ngành tài chính – nơi các sản phẩm thường phức tạp và không dễ tiếp cận, livestream có thể là một cầu nối giúp ngân hàng và tổ chức tín dụng tiếp cận khách hàng theo cách trực quan hơn, gần gũi hơn so với những tài liệu hướng dẫn khô khan thông thường.

Phiên livestream của FE Credit nhằm phổ cập kiến thức về tài chính.

Phiên livestream của FE Credit nhằm phổ cập kiến thức về tài chính. (Nguồn: FE Credit)

Livestream ngân hàng: Xu hướng hay thử nghiệm?

Dù mỗi ngân hàng có một cách tiếp cận giống và khác nhau, nhưng điểm chung vẫn là đang thử nghiệm để tìm ra mô hình phù hợp. Không phải ngân hàng nào cũng có thể “bán” sản phẩm tài chính qua livestream như cách thương mại điện tử đang làm, nhưng điều đó không có nghĩa là hình thức này không có giá trị.

Vậy livestream ngân hàng có trở thành xu hướng dài hạn không? Có lẽ còn quá sớm để khẳng định. Nhưng nếu nhìn vào cách các ngân hàng đang liên tục tìm cách số hóa trải nghiệm khách hàng, có thể thấy rằng livestream – dù chỉ là một công cụ trong số rất nhiều công cụ khác – vẫn đang đóng vai trò giúp ngân hàng trở nên gần gũi hơn trong mắt người dùng.

Scroll to Top