Năm 2023, Việt Nam đón làn sóng ngôi sao Quốc tế đến biểu diễn, đây được xem là cơ hội lớn cho các thương hiệu làm marketing tại các lễ hội âm nhạc hiệu quả.
Marketing tại các lễ hội âm nhạc đã mang đến cho doanh nghiệp những gì?
Âm nhạc có khả năng nhanh chóng kích thích cảm xúc và tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ, tiếp thị bằng âm nhạc là xu hướng kinh doanh được nhiều doanh nghiệp yêu thích. Theo đó, trong quý 3 năm 2023, lượt đăng ký tài trợ tại các sự kiện âm nhạc có nghệ sĩ Quốc tế tăng 30% so với cùng kỳ năm trước (báo cáo tài chính của Công ty tổ chức sự kiện Live Nation).
Các lễ hội âm nhạc thu hút số lượng khủng khán giả tham gia.
Nếu như trước đây Music Marketing thường được hiểu là tiếp thị thông qua các sản phẩm âm nhạc. Điển hình như Bitis’ Hunter có cú lội ngược dòng ngoạn mục khi xuất hiện trong MV “Lạc Trôi” của Sơn Tùng MTP, “Đi để trở về” – Soobin Hoàng Sơn, sau đó hàng loạt nhãn hàng thành công khi đồng hành tài trợ trong các MV ca nhạc như Oppo, Dove, Vinamilk, Pepsi và Tiger, thì hiện nay hình thức này còn được mở rộng qua các lễ hội âm nhạc lớn nhỏ khác nhau.
Cùng điểm qua những nghệ sĩ biểu diễn tại Việt Nam năm 2023:
Các nghệ sĩ tên tuổi Quốc tế liên tục biểu diễn tại Việt Nam.
- Super Show 9 TP.HCM – Super Junior (tháng 3/2023).
- SEEN Festival tại Hội An với sự góp mặt của Taeyang (BIGBANG), BoA, aespa, Hyoyeon (SNSD)”
- Tháng 7/2023 thực sự bùng nổ khi 2 tên tuổi toàn cầu đặt chân đến Việt Nam. Trước là Charlie Puth cùng đại nhạc hội đẳng cấp quốc tế 8Wonder tại Nha Trang. Ngay sau đó chính là Black Pink mang concert Born Pink đến Hà Nội.
- Từ tháng 9 đến cuối năm, tại Hà Nội và TP.HCM cũng liên tục có các sự kiện hoành tráng với dàn nghệ sĩ đỉnh cao từ trong nước đến quốc tế như: Chanyeol (EXO), Yugyeom – Youngjae (GOT7), Super Junior LSS (Lee Teuk, Siwon, Shindong) dự kiến đổ bộ trong đại nhạc hội ngày 21-22/10, Westlife 26/11.
Những sự kiện âm nhạc này được xem là sân chơi của những doanh nghiệp “chịu chơi” vì thường đòi hỏi mức đầu tư khủng, tuy nhiên kết quả thu về lại rất lớn khi vừa tạo ra những trải nghiệm độc đáo, ghi dấu ấn dài lâu với khách hàng mà còn thúc đẩy quyết định tiêu dùng rất cao.
Điển hình như đại nhạc hội EDM Ravolution đã giúp các nhãn hàng như Pepsi, Jetstar Pacific để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả. Sau khi tổ chức 2 sự kiện Ravolution Music Festival tại TP.HCM và Hà Nội chiến dịch quảng bá 10 năm thành lập của Jetstar đã mang về cho thương hiệu lượt chú ý “khủng”, tiếp cận đến hơn 60.000 người.
Tháng 6 vừa qua, Seen Festival 2023 quy tụ của dàn sao như Taeyang (BIG BANG), BoA, Hyoyeon (SNSD), aespa… Sự kiện này cũng khiến dòng sản phẩm đồng hành Tiger Soju Infused Lager gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng fan Kpop. Sự kiện 8Wonder với sự góp mặt của Charlie Puth đã tổ chức tại Nha Trang bởi VinGroup đã thu hút 8.000 khán giả đến xem và hàng trăm nghìn người xem trực tuyến. Điều này giúp thương hiệu thu hút người trải nghiệm dịch vụ nhà hàng, khách sạn, mua sắm lớn.
Doanh nghiệp làm marketing qua các lễ hội âm nhạc tầm cỡ bằng cách nào?
Các sự kiện âm nhạc lớn thường khá tốn kém với nhiều khoản chi phí khổng lồ như mời nghệ sĩ, chọn địa điểm, triển khai các hoạt động marketing tại sự kiện… Do đó, doanh nghiệp cần nắm kế hoạch vàng để triển khai chiến dịch marketing thành công với các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: “Tạo sóng”
Đây là giai đoạn then chốt để phát triển một chiến dịch thành công, có tới 69% người hâm mộ bắt đầu hành trình tìm hiểu trước khi sự kiện xảy ra, xem xét tài chính, sau đó sắp xếp những nhu cầu về thời trang, thực phẩm và làm đẹp….(số liệu từ nghiên cứu từ phòng ban tài trợ của Live Nation UK).
Giai đoạn này kéo dài từ 1-12 tháng trước khi diễn ra sự kiện. Thời điểm này, các chủ đề xoay quanh sự kiện, quyền lợi độc quyền, ấn phẩm liên quan sẽ tạo dựng ấn tượng tốt với người hâm mộ. Bộ nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp cần được gài gắm vào tâm trí của người tiêu dùng thông qua các ấn phẩm thiệp mời, tờ rơi, poster, video giới thiệu sự kiện hay logo nhà tài trợ.
Hoiana Resort & Golf đã tạo ấn tượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị cho Seen Festival.
Một trong những sự kiện quảng cáo qua lễ hội thành công phải kể đến như Hoiana Resort & Golf với vai trò là nhà tài trợ chính của Seen Festival tháng 6/2023. Đơn vị này đã thu hút hàng nghìn lượt ghé thăm fanpage mỗi ngày khi thường xuyên cập nhật thông tin sự kiện như giá vé, sơ đồ chỗ ngồi, danh sách nghệ sĩ,… Logo của đơn vị này xuất hiện trên mọi ấn phẩm liên quan đã gây ấn tượng cho khán giả ngay trong giai đoạn chuẩn bị sự kiện.
Tại thời điểm này, doanh nghiệp nhắc khán giả nhớ thêm về sự hiện diện của mình thông qua các sự kiện âm nhạc bằng các bài đăng, minigame trên các nền nền tảng.
Thêm vào đó, khán giả cũng quan tâm nhiều đến trải nghiệm âm nhạc: 90% người tham dự sự kiện âm nhạc thường được thúc đẩy bởi âm nhạc và nghệ sĩ. Từ đó doanh nghiệp cần nghiên cứu tập trung vào hạng mục: Danh sách nghệ sĩ, trải nghiệm văn hóa, đồ ăn thức uống,…Việc nắm được nhu cầu, mong muốn và tâm lý người hâm mộ cũng giúp thương hiệu ghi điểm trong mắt người dùng ở giai đoạn sau đó.
Giai đoạn 2: Trải nghiệm
Mỗi nghệ sĩ có phong cách khác nhau, do đó tính chất của mỗi sự kiện âm nhạc cũng mang đến cho doanh nghiệp 1 tệp khách hàng khác nhau. Yếu tố này điều hướng hoạt động marketing tại sự kiện của thương hiệu.
Quảng cáo thành công trong sự kiện sẽ giúp doanh nghiệp bùng nổ trong chiến dịch marketing.
Ví dụ như Concert Born Pink của Black Pink tập trung vào đối tượng khán giả GenY, GenZ, do đó các cửa hàng Popup phục vụ ăn uống sẽ là lựa chọn hợp lý dành cho các thương hiệu thực phẩm, các billboard trình chiếu Dance Zone sẽ là nơi các nhãn hàng quảng cáo sản phẩm đồ ăn, mỹ phẩm; hay trang phục dành riêng cho Jisoo trong Flower cũng được nhà mốt Việt FANCì tận dụng tối đa để đưa hình ảnh thương hiệu thời trang này đến với khán giả.
Hay tại sự kiện, việc xây dựng những gian hàng trải nghiệm với những khoảnh khắc bất ngờ, giúp người hâm mộ tương tác với nghệ sĩ cũng là một cách tốt để thương hiệu xây dựng ấn tượng với khách hàng.
Giai đoạn 3: Gợi nhắc về sự kiện
Ở giai đoạn người tiêu dùng sẵn sàng chi 1 số tiền lớn để được thấy thần tượng “bằng da bằng thịt” thì những trải nghiệm tốt về các thương hiệu và dịch vụ đồng hành cũng sẽ ghi điểm với tệp khách hàng tiềm năng này. Do đó, sau khi sự kiện kết thúc, các thương hiệu nên tiếp tục tương tác với tệp khán giả của các nghệ sĩ Quốc tế bằng những hoạt động marketing cụ thể.
(Gợi nhắc sau sự kiện cũng là cách giúp khán giả nhớ về các thương hiệu đồng hành)
Ngoài việc tạo sóng truyền thông bằng những hình ảnh ấn tượng, những khoảnh khắc đáng nhớ khi sự kiện diễn ra thì doanh nghiệp có thể tạo ra các minigame, các video trải nghiệm, kí ức cùng thần tượng,….Điều này sẽ giúp thương hiệu tận dụng tối ưu sức ảnh hưởng của buổi diễn và xây dựng mối liên kết cảm xúc với người hâm mộ.
Việc đồng hành cùng người hâm mộ xuyên suốt trải nghiệm tham gia lễ hội âm nhạc, từ giai đoạn khám phá sự kiện cho đến vài tuần sau khi kết thúc sẽ giúp thương hiệu đạt được kết quả marketing tại các lễ hội âm nhạc vô cùng hiệu quả.