Gen Z là những công dân toàn cầu, chiếm 1/3 dân số thế giới và hứa hẹn là đối tượng khách hàng trong tương lai của nhiều doanh nghiệp.
GenZ là ai?
GenZ là những người sinh năm 1997 đến 2012, sinh ra sau thế hệ Y (GenY). Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2025, GenZ dự kiến góp 1/3, khoảng gần 15 triệu người, trong lực lượng lao động tại Việt Nam, con số này hẳn sẽ khiến các doanh nghiệp không thể bỏ qua.
“Đón đầu” GenZ trở thành xu hướng của nhiều doanh nghiệp
GenZ sinh ra trong thời đại công nghệ số, có điều kiện để sớm tiếp xúc với Internet và các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Youtube, Instagram, Tiktok,…Thế hệ công dân của thời đại số hóa được kỳ vọng trở thành người dẫn dắt trong công cuộc phát triển mọi phương diện xã hội trong tương lai.
Thế hệ này dễ dàng tìm kiếm thông tin bằng các công cụ tìm kiếm trên mạng xã hội và dành nhiều thời gian cho các thiết bị công nghệ để làm việc, mua sắm, giải trí hay giao lưu. Đây cũng chính là lý do vì sao GenZ được gọi là thế hệ siêu kết nối, theo thống kê trên Linkedin, 74% người thuộc thế hệ Z nói rằng họ dành thời gian rảnh để online, 66% sử dụng nhiều thiết bị để kết nối cùng một lúc, 75% dùng thiết bị điện thoại thông minh thay cho máy tính để bàn hay máy tính bảng.
Năm 2023, làn sóng tiêu dùng có sự dịch chuyên từ GenY sang GenZ đáng kể, chính vì thế nhiều doanh nghiệp đã “đón sóng’’ bằng các chiến dịch nhắm đích: từ sản xuất các dòng sản phẩm phù hợp cho đến việc cá nhân hóa thương hiệu dành cho thế hệ tiêu dùng mới.
Thế hệ Z có mong muốn được khẳng định cái tôi cá nhân, quan điểm sống rõ ràng, 58% người tham gia khảo sát trả lời rằng họ sẵn sàng chi trả một mức giá cao hơn để sở hữu những sản phẩm có tính cá nhân hóa cao và phù hợp với cá tính của họ (Theo báo cáo của McKinsey). Nắm bắt được điều này, nhiều nhãn hàng từ ngân hàng, thời trang, F&B,….đã tạo ra những chiến dịch ấn tượng dành cho tệp khách hàng này.
Chẳng hạn như Uniqlo hãng thời trang Nhật Bản đã cho phép khách hàng của mình có thể sáng tạo và thiết kế những chiếc áo thể hiện phong cách của riêng họ. Kết quả, chiến lược này đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều đối tượng trẻ. Hay các ngân hàng, công ty lớn như ABBank, Techcombank, Momo… lần lượt tung chương trình số tài khoản thế hệ mới (chọn số theo sở thích, theo cung hoàng đạo, gắn tên định danh).
Tương tự, các công ty chứng khoán từ đầu năm 2023 ồ ạt ra mắt tài khoản số đẹp, tự chọn cho khách hàng mới, như chứng khoán Mirae Asset đã triển khai chương trình mở tài khoản số đẹp miễn phí cho khách hàng theo sở thích, ngày sinh.
Hành vi tiêu dùng của GenZ
Khác với tư tưởng “ăn chắc mặc bền” của thế hệ trước, GenZ được tiếp nhận điều kiện tốt hơn của thời đại nên sẽ dành nhiều thời gian để sử dụng, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, chi tiền cho các dịch vụ “đáng đồng tiền bát gạo”.
Vậy đâu là những xu hướng ảnh hưởng đến quyết định tiêu tiền của GenZ?
Tìm đến thói quen ăn uống lành mạnh hơn
Định nghĩa “healthy” ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Thay vì ăn nhanh uống tạm, GenZ tìm kiếm những chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe. Có đến 64,3% người thuộc thế hệ Z chọn ăn uống lành mạnh vì những lợi ích sức khỏe lâu dài (theo báo cáo từ Nghiên cứu tiêu dùng 2022 của Vero và Decision Lab). Xu hướng ăn chay cũng ngày càng trở nên phổ biến, thật không khó để tìm kiếm chủ đề ăn chay, nhóm ăn thuần chay, KOL dạy nấu đồ chay như Shu, Huy Trần,…trên các trang mạng xã hội.
Sống thân thiện với môi trường
Dù sống trong thời đại tiêu dùng nhanh, nhưng thế hệ GenZ quan tâm nhiều hơn đến lối sống bền vững, ảnh hưởng tích cực đến xã hội. 25% GenZ thừa nhận rằng tác động đến môi trường do một số doanh nghiệp gây ra đã ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ, 79% thế hệ Zer sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho năng lượng sạch (Deloitte Global 2021), 17,6% GenZers đã tái chế rác thải điện tử của họ (Theo Statista).
Quan niệm về giới tính thoáng hơn
Xu hướng Unisex – tiêu dùng sản phẩm không phân biệt dành riêng cho nam hay nữ ngày càng được ưa chuộng. Những KOL dẫn đầu xu hướng mặc váy kết hợp hài hòa giữa tính nam và tính nữ của trang phục như Jaden Smith, Lil Nas X, hay thương hiệu Sephora, Telfar đã có những bước đi mới để hướng tới ngành công nghiệp không phân biệt giới tính.
Sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt, trả sau
Hình thức này ngày càng phổ biến khi GenZ không dùng tiền mặt để chi trả các chi phí sinh hoạt, tiêu dùng. Các sàn thương mại điện tử như Shopee,Tiki, momo,…cũng thường xuyên tạo ra các chương trình khuyến mãi, hoàn tiền, đa tiện ích trên 1 điểm chạm khi thanh toán bằng thẻ, tài khỏe ngân hàng để tạo “mồi câu”.
Gen Z lớn lên trong thời đại công nghệ tiên tiến và do đó họ đã phát triển những thói quen, đặc điểm và sở thích riêng. Bằng cách thấu hiểu các vấn đề quan trọng với họ, doanh nghiệp sẽ có những chiến dịch quảng cáo thành công.