Thị trường truyền thông Tết Nguyên đán năm 2025 trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết khi các thương hiệu đua nhau đổ tiền vào các chiến dịch truyền thông, quảng cáo, quà tặng Tết nhằm tăng sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu của mình.
Cùng điểm lại một số hành vi sử dụng phương tiện truyền thông và các điểm chạm quan trọng được các thương hiệu sử dụng trong các chiến dịch Tết Ất Tỵ 2025.
Hành vi tiêu thụ phương tiện truyền thông của người tiêu dùng vào kỳ nghỉ Tết
Theo Data Report, người Việt Nam dành trung bình hơn 3 giờ mỗi ngày trên Internet, và các trang mạng xã hội phổ biến trong dịp nghỉ lễ là Facebook và TikTok. Bên cạnh đó, họ cũng có xu hướng sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tìm kiếm thông tin và cập nhật tin tức mới. Tết Âm lịch là khoảng thời gian mọi người sum họp với gia đình, bạn bè, người thân cũng như nghỉ ngơi, tiếp sức cho năm mới. Vì vậy, những nội dung chia sẻ về Tết, sự sum vầy hay những lời chúc sáng tạo được quan tâm và lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Các chủ đề được quan tâm dịp Tết Ất Tỵ
Theo thống kê và phân tích, 4 nhóm thông điệp nổi bật trong Tết Nguyên đán 2024 là Celebration (Tết là ăn mừng), Homing (Tết là về nhà, đoàn viên), New Beginning (Tết là khởi đầu mới), và Appreciations (Tết là biết ơn).
Năm nay, cuộc đua quảng cáo Tết vẫn làm nổi bật những insight tương tự. Bên cạnh đó, chủ đề “Kết nối” được gợi mở hơn so với năm ngoái. Sau một năm kinh tế dần phục hồi, mọi người mở lòng và kết nối với nhau nhiều hơn. Nhiều thương hiệu cũng đã nắm bắt được insight này để đưa vào chiến dịch truyền thông của mình.
Các điểm chạm truyền thông quan trọng
1. Truyền thông Online
Từ xu hướng sắm Tết sớm của người tiêu dùng, nhiều thương hiệu đã triển khai các hoạt động marketing Tết từ sớm, đặc biệt là các hoạt động online nhằm thu hút đối tượng mục tiêu. Trong đó, các điểm chạm quan trọng bao gồm video ca nhạc, mini-game/thử thách, người có tầm ảnh hưởng và cả các phiên livestream trên các sàn thương mại điện tử mang lại nhiều tương tác và chuyển đổi quan trọng.
- Video âm nhạc
Có thể thấy trong cuộc đua quảng cáo Tết Ất Tỵ, nhiều thương hiệu đã chi mạnh tay khi kết hợp cùng các nghệ sĩ được yêu thích cho ra những MV ca nhạc mang đậm hương vị, nét đẹp truyền thống Tết.
Music Marketing (Tiếp thị qua âm nhạc) không phải là xu hướng mới nổi trong các chiến dịch Tết trong một vài năm trở lại đây, nhưng đây là hình thức truyền tải hiệu quả khi chạm đến cảm xúc của khách hàng. Theo một nghiên cứu của Nielsen, quảng cáo có âm nhạc có khả năng được người tiêu dùng ghi nhớ cao hơn 20%.
MV ca nhạc “Tết phiền vẫn iu” của thương hiệu Anlene và “Tết nhà là vô giá” của Home Credit kết hợp với ca nhạc sĩ Bùi Công Nam là những phát súng tiên phong cho cuộc đua quảng cáo Tết năm nay. Sau đó, các thương hiệu lớn nhỏ đều lần lượt cho ra mắt các video ca nhạc vừa thể hiện không khí rộn ràng, tươi vui, hay có phần sâu lắng dịp Tết, vừa tôn lên bản sắc thương hiệu.
Một trong những chiến dịch nổi bật trong cuộc đua này có thể kể sự hợp tác của thương hiệu Knorr với rapper Đen Vâu trong MV “Vị nhà”. Chỉ sau 2 ngày ra mắt, MV “Vị nhà” của Đen đạt 4 triệu lượt xem, nắm giữ vị trí số một trong top thịnh hành YouTube Việt Nam. MV “Vị nhà” nói thay nỗi lòng của những người con xa quê, kể lại những câu chuyện thầm lặng, khiến người xem không khỏi xúc động. Từng lời rap, hình ảnh, cảnh quay hay chính tên bài gợi lên hình ảnh của Knorr – hương vị gắn kết gia đình.
MV “Vị nhà” nói thay nỗi lòng của những người con xa quê, kể lại những câu chuyện thầm lặng, khiến người xem không khỏi xúc động. (Nguồn: Knorr)
Bên cạnh đó, nhiều video âm nhạc Tết cũng xuất hiện trong các bảng xếp hạng số, mục Âm nhạc Thịnh hành trên YouTube cho thấy sự quan tâm và ủng hộ của khán giả dành cho các chiến dịch.
- Minigame, thử thách
Tết đối với nhiều người là khoảng thời gian nghỉ ngơi, xả hơi và kết nối với gia đình, bạn bè. Vì vậy các hoạt động minigame, thử thách là một hoạt động quan trọng giúp thương hiệu giữ kết nối và củng cố tình yêu thương hiệu với khách hàng của mình. Các phần thưởng, quà tặng trong chương trình được nhiều người coi là lộc đầu năm, từ đó có thêm động lực để tham gia, góp phần giúp chiến dịch bùng nổ tương tác.
Lay’s tổ chức minigame “Xin vía đầu năm, rinh quà đỉnh” với nhiều phần thưởng có giá trị. (Nguồn: Lay’s)
Lifebuoy lan toả thông điệp yêu thương ngày Tết với chiến dịch hashtag #Tếtvỗvề trên TikTok. (Nguồn: Lifebuoy)
- KOL, Influencer
Theo kết quả nghiên cứu từ Zing MP3 và Adtima, người hâm mộ Việt, đặc biệt là “fan trung thành”, rất sẵn lòng đăng ký để tải nhạc bản quyền có trả phí (86%), nghe quảng cáo âm thanh (87%), nghe album/playlist được tài trợ bởi các thương hiệu (95%) và tặng quà khi thần tượng phát trực tiếp (85%).
Do đó, để tăng hiệu quả truyền thông trên môi trường trực tuyến, đặc biệt là mạng xã hội, nhiều thương hiệu lớn đã hợp tác cùng những ca sĩ, nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng, để thực hiện các hoạt động marketing online nhằm thu hút sự chú ý của công chúng mục tiêu.
- Các sàn thương mại điện tử
Với xu hướng LIVECommerce gia tăng, livestream và video trên các sàn thương mại điện tử cũng là một điểm chạm quan trọng trong hành trình khách hàng. Theo nghiên cứu khảo sát của TikTok, trong quá trình mua sắm, livestream đóng vai trò quan trọng đối với thế hệ Millennials và Gen Z. Hơn 1/2 số người được khảo sát cho biết họ quan tâm đến các đề xuất từ nhà sáng tạo nội dung khi đưa ra quyết định mua sắm Tết. Tác động của mua sắm trên livestream đến hoạt động mua sắm trong mùa Tết mạnh hơn đáng kể so với các thời điểm khác trong năm.
Vì vậy, việc tận dụng triệt để các tính năng của các sàn thương mại điện tử để bán hàng và truyền thông tăng nhận diện cho thương hiệu là điều nhiều thương hiệu đã thực hiện trong mùa mua sắm Tết.
Glucankids, thương hiệu chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho trẻ nhỏ, đã kết hợp cùng Ori Marketing Agency đẩy mạnh các hoạt động trên các sàn thương mại điện tử nhằm tăng khả năng tiếp cận đến khách hàng mục tiêu.
Glucankids đẩy mạnh các hoạt động trên các sàn thương mại điện tử nhằm tăng khả năng tiếp cận đến khách hàng mục tiêu.
2. Truyền thông Offline
Tết Nguyên Đán luôn là thời điểm vàng để các thương hiệu kết nối sâu sắc với người tiêu dùng. Bên cạnh quảng cáo trực tuyến có độ lan toả rộng trên mạng xã hội, các chiến dịch truyền thông Tết tiếp tục khai thác hiệu quả các điểm chạm offline để tạo dấu ấn khó quên.
- Quảng cáo OOH
Quảng cáo ngoài trời vẫn là lựa chọn hàng đầu để tăng độ nhận diện thương hiệu, đặc biệt trong bối cảnh Tết khi mọi người di chuyển nhiều hơn.
Thông điệp về gia đình sum vầy, đoàn viên hay lời chúc một năm mới bùng nổ, tràn đầy năng lượng tiếp thêm sức mạnh cho mọi người, thương hiệu như một người bạn đồng hành đưa người dân về quê ăn tết. Những thông điệp ý nghĩa không chỉ giúp tăng độ nhận diện mà còn củng cố tình yêu thương hiệu của khách hàng.
Chiến dịch OOH “Vững bản lĩnh, năm mới húc tới đi!” của Red Bull. (Nguồn: Red Bull)
OOH Tết 2025 của Pepsi khai thác chủ đề “Homing” quen thuộc. (Nguồn: Pepsi)
- CSR
Những hoạt động CSR trong dịp Tết không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn giúp thương hiệu xây dựng tình cảm lâu dài với cộng đồng. Các hoạt động tặng quà, hỗ trợ người dân có một cái Tết ấm no được nhiều doanh nghiệp triển khai dịp cuối năm này.
Pepsi tiếp tục mang tết về nhà sau 5 năm, đồng hành cùng Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng hàng nghìn vé xe, vé tàu và vé máy bay cho người dân về quê ăn Tết. Nutifood tổ chức sự kiện “Tết cho em”, trao tặng hơn 500 phần quà đến các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, tiếp thêm động lực và niềm vui cho các em trong cuộc sống.
Nutifood tổ chức sự kiện “Tết cho em”, trao tặng hơn 500 phần quà đến các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. (Nguồn: Nutifood)
- Sự kiện, lễ hội
Tổ chức các sự kiện, lễ hội Tết mang lại cơ hội để thương hiệu tương tác trực tiếp với khách hàng, tạo ra trải nghiệm đáng nhớ.
Triển lãm “Tết vỗ về” của Lifebuoy diễn ra tại Nhà văn hoá Thanh Niên TP.HCM đã thu hút sự quan tâm của nhiều người tham gia. Trong một căn phòng cảm xúc, Lifebuoy đã tạo ra một không gian trưng bày thẩm mỹ, ấn tượng, không chỉ cho phép người tham gia bày tỏ cảm xúc, tâm tình của mình vào những ngày cận kề Tết, mà còn phù hợp để giới trẻ check-in và chia sẻ trên mạng xã hội. Cách dẫn dắt cảm xúc người tham gia qua sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh, ánh sáng, hình ảnh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí khách hàng.
Bên cạnh đó, những sự kiện âm nhạc, đặc biệt là các sự kiện Countdown đón năm mới quy tụ nhiều nghệ sĩ hoạt động sôi nổi trong năm qua cũng là một điểm chạm quan trọng khi thu hút được nhiều người tham gia hưởng ứng.
Sự kiện âm nhạc Tiger Remix với thông điệp “Sát cánh gầm vang, khai xuân bản lĩnh”. (Nguồn: Tiger)
Lễ hội Chào đón năm mới “City Tết Fest – Thủ Đức 2025”. (Nguồn: City Tết Fest 2025)
Những điểm chạm truyền thông offline này không chỉ giúp các chiến dịch Tết tiếp cận hiệu quả với đối tượng mục tiêu mà còn tạo nên những giá trị cảm xúc tích cực, khơi dậy tinh thần Tết đậm đà bản sắc Việt.