Liệu bạn đã bao giờ tự hỏi một bài viết, một video hoặc bất cứ hình thức nội dung sẽ được chuẩn bị hoàn toàn một cách tự nhiên theo luồng suy nghĩ, hay là đã có công thức triển khai? Đa phần, câu trả lời sẽ là chuẩn bị theo một công thức, khuôn mẫu nhất định.
Công thức Content không phải là khuôn mẫu cứng nhắc, mà là những “kim chỉ nam” giúp bạn định hình ý tưởng, sắp xếp thông tin và tạo ra nội dung có cấu trúc rõ ràng, logic và dễ hiểu. Chúng giống như những “bộ khung” mà bạn có thể tùy biến và lấp đầy bằng sự sáng tạo, kiến thức và kinh nghiệm của riêng mình. Vậy đâu là các công thức Content phổ biến, mà có thể được áp dụng cho hầu hết các lĩnh vực kinh doanh? Hãy cùng STEP IT Academy Vietnam tìm hiểu ngay nhé.
PAS: Giải pháp cho mọi vấn đề
Trước tiên,hãy cùng hiểu công thức Content này cụ thể ra sao:
- Problem (Vấn đề): Nêu lên vấn đề mà khách hàng mục tiêu đang gặp phải.
- Agitate (Xoáy sâu vào vấn đề): Làm nổi bật vấn đề, khiến khách hàng cảm thấy cấp bách cần giải quyết.
- Solution (Giải pháp): Đưa ra giải pháp cho vấn đề, nhấn mạnh vào sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Công thức PAS là một trong những công thức phổ biến và hiệu quả nhất trong Content Writing, phù hợp với hầu hết các ngành hàng, đặc biệt là các sản phẩm/dịch vụ giải quyết vấn đề cụ thể. Nếu như sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu có USP rõ ràng, cụ thể, PAS chính là công thức Content phù hợp nhất cho quá trình thương hiệu truyền thông giá trị độc nhất của mình.
Ví dụ, một bài viết về sản phẩm kem chống nắng có thể bắt đầu bằng câu hỏi “Bạn đang lo lắng về tác hại của ánh nắng mặt trời?” (Problem), sau đó nhấn mạnh những nguy cơ tiềm ẩn như lão hóa da, ung thư da (Agitate), cuối cùng giới thiệu sản phẩm kem chống nắng như một giải pháp bảo vệ da hiệu quả (Solution).
FAB: Phù hợp cho việc quảng bá sản phẩm mới
Cụ thể như sau:
- Features (Tính năng): Mô tả các tính năng nổi bật của sản phẩm/dịch vụ.
- Advantages (Ưu điểm): Giải thích tại sao các tính năng đó lại tốt hơn so với đối thủ.
- Benefits (Lợi ích): Nêu rõ lợi ích mà khách hàng nhận được khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Nếu bạn đang muốn giới thiệu một sản phẩm hoặc dịch vụ mới, công thức Content FAB sẽ là một lựa chọn phù hợp. Công thức này tập trung vào việc làm nổi bật các tính năng, ưu điểm và lợi ích của sản phẩm, từ đó thuyết phục khách hàng lựa chọn sản phẩm của bạn, hoặc khiến cho người tiêu dùng cảm thấy ấn tượng trước sản phẩm của thương hiệu.
Ví dụ, một bài viết về điện thoại thông minh mới có thể liệt kê các tính năng như camera độ phân giải cao, chip xử lý mạnh mẽ (Features), sau đó giải thích tại sao các tính năng này lại tốt hơn so với đối thủ (Advantages), và cuối cùng nhấn mạnh những lợi ích mà người dùng sẽ nhận được như chụp ảnh đẹp hơn, thời lượng pin lâu, không cần sạc nhiều (Benefits).
AIDA: Công thức Content vỡ lòng đối với mọi Marketer
AIDA, chắc hẳn ai làm Marketing cũng đều phải biết đến công thức vỡ lòng này. Thực tế, đây là công thức không chỉ được sử dụng khi viết Content, mà còn được áp dụng trong việc phân tích hành trình của khách hàng. Công thức này dẫn dắt khách hàng qua từng giai đoạn của phễu bán hàng, từ thu hút sự chú ý đến thúc đẩy hành động mua hàng.
- Attention (Chú ý): Thu hút sự chú ý của khách hàng bằng tiêu đề hoặc hình ảnh ấn tượng.
- Interest (Quan tâm): Tạo sự quan tâm bằng cách cung cấp thông tin hữu ích và hấp dẫn.
- Desire (Mong muốn): Khơi gợi mong muốn sở hữu sản phẩm/dịch vụ của bạn.
- Action (Hành động): Thúc đẩy khách hàng thực hiện hành động cụ thể (mua hàng, đăng ký…)
Ví dụ, một bài quảng cáo sản phẩm giảm cân có thể bắt đầu bằng một tiêu đề gây sốc như “Giảm 5kg trong 1 tháng không cần ăn kiêng” (Attention); sau đó cung cấp thông tin về thành phần tự nhiên, hiệu quả đã được chứng minh (Interest), khơi gợi mong muốn sở hữu vóc dáng thon gọn (Desire) và cuối cùng kêu gọi khách hàng đặt hàng ngay để nhận thêm giảm giá (Action).
4P: Không phải là Pizza 4P’s
Mà đó là:
- Picture (Hình ảnh): Vẽ ra một bức tranh về vấn đề của khách hàng.
- Promise (Lời hứa): Hứa hẹn giải quyết vấn đề đó.
- Prove (Chứng minh): Đưa ra bằng chứng để chứng minh lời hứa của bạn.
- Push (Thúc đẩy): Thúc đẩy khách hàng hành động.
4P không chỉ là một thương hiệu Pizza, một mô hình Marketing, mà còn đó là một công thức Content dành cho các ngành như bất động sản, bảo hiểm, tài chính, du lịch… Công thức Content 4P giúp khách hàng hình dung được một tương lai tốt đẹp hơn sau khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu.
Ví dụ thường thấy nhất ở mô hình Content 4P chính là trong các quảng cáo bất động sản. Nội dung thường vẽ ra một không gian sống trong lành, hiện đại (Picture), hứa hẹn mang đến một cuộc sống lý tưởng, tiện nghi cho các gia đình (Promise), chứng minh bằng số lượng căn hộ đã được đặt trước, hoặc chia sẻ trải nghiệm từ cư dân và cuối cùng là kêu gọi khách hàng đăng ký tham quan dự án (Push).
BAB: Một sự thay đổi ngoạn ngục
- Before (Trước): Mô tả tình trạng hiện tại của khách hàng.
- After (Sau): Mô tả tình trạng lý tưởng mà khách hàng mong muốn.
- Bridge (Cầu nối): Giải thích cách sản phẩm/dịch vụ của bạn giúp khách hàng đạt được tình trạng lý tưởng đó.
BAB là công thức Content thường được sử dụng trong các ngành như thẩm mỹ, sức khỏe, giáo dục, phát triển cá nhân… để cho thấy sự thay đổi tích cực mà khách hàng có thể đạt được khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ.
Ví dụ, một video quảng cáo dịch vụ chăm sóc da sẽ bắt đầu nội dung bằng vấn đề của một khách hàng, đó là nhiều mụn đầu đen (Before), sau đó đưa cho khách hàng kết quả mà da họ sẽ đạt được, là da sạch mụn đầu đen, thông thoáng (After). Và cuối cùng, video sẽ đưa ra lộ trình chăm sóc da chuyên sâu, bao nhiêu bước chăm sóc, công nghệ thế nào, chất lượng mỹ phẩm ra sao nhằm giúp khách hàng đạt được kết quả mong muốn (Bridge).
3S: Kết nối bằng cảm xúc
Công thức 3S được thấy nhiều nhất trong các loại hình Content phim ngắn, TVC, Blog post vì thông thường chỉ có loại hình Content như vậy mới đủ thời lượng truyền tải đủ các đầu mục sau:
- Star (Nhân vật chính): Giới thiệu một nhân vật có liên quan đến sản phẩm/dịch vụ của bạn.
- Story (Câu chuyện): Kể một câu chuyện về nhân vật đó và cách sản phẩm/dịch vụ của bạn đã giúp họ.
- Solution (Giải pháp): Kết nối câu chuyện với sản phẩm/dịch vụ của bạn, nhấn mạnh lợi ích mà khách hàng nhận được.
Bằng việc kể chuyện, nội dung sẽ có khả năng kết nối cảm xúc với người xem, người đọc từ đó xây dựng sự nhận biết về thương hiệu hoặc lòng trung thành mà khách hàng dành cho thương hiệu.
Sau khi đã nắm vững 6 công thức nói trên, bạn có thể tùy biến và lấp đầy những “bộ khung” này bằng sự sáng tạo, kiến thức và kinh nghiệm của riêng mình.Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, công thức chỉ là một phần của câu chuyện. Điều quan trọng nhất là bạn phải biết cách vận dụng chúng một cách linh hoạt, kết hợp với sự sáng tạo và hiểu biết về khách hàng mục tiêu của mình.
Nguồn Brands Vietnam