Tăng trưởng quảng cáo toàn cầu chậm lại vào đầu năm 2023, nhưng dự kiến trở lại tốc độ nhanh hơn trong nửa cuối năm khi lạm phát giảm bớt và các vấn đề về chuỗi cung ứng tiếp tục được giải quyết, theo dự báo mới nhất của hãng đầu tư truyền thông GroupM, một đơn vị của WPP (Anh), tập đoàn quảng cáo lớn nhất toàn cầu.
Báo cáo cho biết chi tiêu quảng cáo toàn cầu sẽ tăng 5,9% trong năm nay, lên 874,5 tỉ USD, không bao gồm quảng cáo chính trị của Mỹ.
Theo Kate Scott-Dawkins, Chủ tịch phụ trách bộ phận thông tin kinh doanh của GroupM, mức tăng trưởng đó thấp hơn một chút so với mức lạm phát toàn cầu theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Điều này có nghĩa giá trị thực của chi tiêu quảng cáo toàn cầu, sau khi tính yếu tố lạm phát, giảm so với năm ngoái.
GroupM cho biết tăng trưởng chi tiêu quảng cáo một phần đến từ lĩnh vực ô tô nhờ còn hàng tồn kho để thúc đẩy doanh số sau một thời gian dài nguồn cung bị hạn chế. Máy tính và ti-vi mà người tiêu dùng toàn cầu đổ xô mua vào thời kỳ ban đầu của đại dịch Covid-19, cũng sẽ bắt đầu chu kỳ nâng cấp thông thường vào cuối năm nay. Điều này thúc đẩy nhu cầu mới và cải thiện chi tiêu quảng cáo ở hai mặt hàng này.
“Tất nhiên, có những sự kiện mang tính hệ quả lớn ngăn cản bất kỳ hoạt động quảng cáo bình thường nào. Chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Ukraine và việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào mọi thứ có nghĩa là luôn có những sự kiện mới tác động đến thị trường quảng cáo”, GroupM cho biết trong báo cáo.
Các doanh nghiệp tiêu dùng như tập đoàn bán lẻ Walmart, hãng gọi xe và giao đồ ăn Uber, đang tăng cường sử dụng dữ liệu và không gian quảng cáo trên trang web cùng ứng dụng của họ để giúp nhà quảng cáo tiếp cận người tiêu dùng thông qua cái gọi là mạng lưới truyền thông bán lẻ.
Phân khúc đó đang nổi lên như một động lực tăng trưởng trong ngành quảng cáo, với mức tăng trưởng khoảng 9,9%, lên 125,7 tỉ USD trong 2023, và dự kiến sẽ vượt doanh thu quảng cáo trên truyền hình vào năm 2028, GroupM dự báo.
GroupM nhận định, doanh thu quảng cáo trên truyền hình kết nối (phát sóng qua Internet) là một động lực tăng trưởng khác. Phân khúc này sẽ tăng trưởng 10,4% hàng năm trong giai đoạn 2023-2028 lên mức 42,5 tỉ USD. Trong khi đó, quảng cáo ngoài trời dự kiến tăng 13,4% lên 35,6 tỉ USD trong năm 2023. Đặc biệt, quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời (chẳng hạn thông qua video trên màn hình LED) được dự báo tăng 26,1% lên 13,3 tỉ USD trong năm nay.
Trong khi đó, quảng cáo kỹ thuật số nói chung đang giảm tốc, với mức tăng trưởng dự kiến 8,4% vào năm 2023, chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. GroupM cho biết nên xem việc giảm tốc này là do quy mô ngày càng lớn và sự trưởng thành của không gian kỹ thuật số, thay vì là hậu quả của của bất kỳ sự suy thoái kinh tế rộng lớn nào. Doanh thu quảng cáo kỹ thuật số trong năm nay dự kiến chiếm 68,8% tổng doanh thu quảng cáo toàn cầu.
“Với việc quảng cáo kỹ thuật số hiện chiếm hơn 2/3 tổng doanh số quảng cáo, tăng trưởng với tốc độ hai con số trong lịch sử của mảng này trở nên khó đạt được. Chúng tôi dự đoán tăng trưởng của quảng cáo kỹ thuật số sẽ giảm tốc hơn nữa trong 5 năm tới”, báo cáo của GroupM cho biết.
GroupM kỳ vọng AI sẽ được sử dụng ít nhất trong 50% tổng doanh thu quảng cáo toàn cầu vào cuối năm 2023. Mặc dù AI đã được sử dụng rộng rãi trong ngành từ lâu, nhưng các công cụ AI mới và sự tiến triển nhanh chóng của AI tạo sinh đồng nghĩa với việc công nghệ này sẽ phá vỡ nhiều yếu tố hiện nay của ngành quảng cáo và truyền thông hơn, GroupM nhận định.
“Điểm mấu chốt hiện nay AI đang phát triển rộng rãi hơn nhiều về mặt ứng dụng và kênh sử dụng. Đồng thời, số lượng các công ty tham gia và có khả năng tham gia vào việc tạo ra các công cụ AI đó là khác nhau. Đây là điều mà chúng tôi tiếp tục thảo luận, theo dõi và lên kế hoạch khi mức độ tiếp xúc của AI với doanh thu quảng cáo toàn cầu tăng dần lên đến mức 90% doanh thu quảng cáo trên toàn cầu”, Scott-Dawkins cho biết.
Cuối tháng trước, WPP công bố hợp tác với hãng chip Nvidia nhằm sử sụng AI tạo sinh để sản xuất nội dung quảng cáo chất lượng cao với quy mô lớn chỉ trong vài phút.
Theo WSJ