Chọn kênh truyền thông thích hợp
Doanh nghiệp nên bắt đầu bằng cách xây dựng chiến lược tiếp thị dùng truyền thông xã hội dựa trên các mục tiêu kinh doanh, sau đó chọn lựa kênh truyền thông xã hội, công cụ và thước đo thích hợp tùy theo đối tượng khách hàng mục tiêu. Không nên tăng cường tương tác trên một số mạng xã hội không thích hợp với mục tiêu hoặc đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp theo đuổi.
Xác định mục tiêu có ý nghĩa
Không nên chỉ đặt mục tiêu tăng số người theo dõi tin (followers) từ các trang xã hội của doanh nghiệp mà không gắn những mục tiêu ấy với những thước đo cụ thể có liên quan đến kết quả kinh doanh. Để xác định các mục tiêu có ý nghĩa cho kinh doanh, doanh nghiệp nên đặt ra một số câu hỏi sau: Doanh nghiệp cần đạt đến những con số nào? Làm thế nào để biết doanh nghiệp đạt được thành công? Các lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá điều đó như thế nào? Doanh nghiệp đang đứng trước những thay đổi, thách thức nào trong thời gian gần đây? Khách hàng đang quan tâm nhất đến điều gì?
Xây dựng nội dung có giá trị cho khách hàng
Sau khi đã xác định các mục tiêu và kênh truyền thông xã hội thích hợp, doanh nghiệp cần phải tạo ra nội dung được khách hàng đánh giá cao, liên quan đến việc giúp khách hàng giải quyết vấn đề của họ, gửi đến họ một thông điệp kịp thời, đem đến cho họ niềm vui… Những câu chuyện khơi dậy cảm xúc thường sẽ có tác dụng nhiều hơn những thông điệp bán hàng khô cứng.
Tăng cường tương tác với khách hàng
Nên nhớ truyền thông xã hội là một kênh tương tác hai chiều. Không chỉ dừng lại ở việc viết nội dung phù hợp, để tiếp thị qua các kênh truyền thông xã hội đạt hiệu quả cao, doanh nghiệp cần phải phản hồi kịp thời các bình luận, nhận xét hay thắc mắc của khách hàng. Theo khảo sát của Sprout Social, tỷ lệ phản hồi của doanh nghiệp đối với các thông điệp như thế của khách hàng hiện chỉ là 10%. Quesenberry cho rằng, khi “lười” tương tác với khách hàng như thế, doanh nghiệp đã đánh mất cơ hội lớn. Bởi vì những câu trả lời hữu dụng, ngay cả với những lời bình luận tiêu cực của khách hàng, sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện hình ảnh, tiếp cận với khách hàng mới và tăng khả năng thúc đẩy khách mua hàng thường xuyên sau đó. Tùy theo ngành kinh doanh mà doanh nghiệp có thể cân nhắc lập ra một bộ phận dịch vụ khách hàng đảm nhận việc tương tác với khách hàng từ các kênh truyền thông xã hội.